Bài tuyên truyền bệnh tay chân miệng ở trẻ
Lượt xem:
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính do siêu vi trùng đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát thành dịch. Vậy dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ là gì, cần chủ động phòng ngừa cho trẻ như thế nào:
1. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ
Khi trẻ có những dấu hiệu như tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, quấy khóc, kêu đau miệng, nổi mụn nước ở trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối, lở trong miệng thì rất có thể trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần đưa con đến khám tại các cơ sở y tế.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ qua các giai đoạn:
- Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát: 1-2 ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy…
- Giai đoạn toàn phát: có thể kéo dài 3-10 ngày với biểu hiện vết loét đỏ, phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, tăng tiết nước bọt, vết phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông. Trong giai đoạn này trẻ bị sốt nhẹ, nôn…
- Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3-5 ngày trẻ phục hồi hoàn toàn nếu trẻ không có biến chứng gì.
Những dấu hiệu khi bệnh chuyển nặng: trẻ sốt cao, nôn nhiều đi không vững, hay giật mình trong lúc ngủ, người run, chân tay yếu… cần đưa trẻ đến bệnh viện để tránh những biến chứng nguy hiểm về thần kinh như viêm não, viêm não tủy, viêm màng não, rung giật cơ, ngủ gà, bứt rứt, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, thậm chí co giật, hôn mê…
2. Cách phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ
Để chủ động phòng bệnh cho trẻ, phụ huynh cần thực hiện các biện pháp sau:
– Người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay nhiều lần bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chuẩn bị thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi tắm rửa, vệ sinh.
– Phụ huynh rửa tay cho trẻ hoặc hướng dẫn cho trẻ rửa tay với xà phòng đúng lúc, đúng cách rửa nhiều lần trong ngày; Mỗi trẻ dùng mỗi khăn riêng.
– Cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát.
– Ăn ngay sau khi nấu xong, che đậy không cho ruồi, gián, chuột chạm vào thức ăn.
– Người bệnh nên đeo khẩu trang hoặc che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi.
–Các gia đình, trường học, nhà mẫu giáo, cơ sở chăm sóc trẻ thường xuyên lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 1 lần trong ngày và giữ vệ các khu vực xung quanh.
– Không nên đưa trẻ đến các khu vực như trường học, nhà mẫu giáo, trung tâm chăm sóc trẻ nếu các khu vực này đã bị nhiễm bệnh.
– Tránh tiếp xúc gần (ôm hôn, sử dụng chung đồ dùng trong nhà) với người đã bị mắc bệnh.
– Thu gom xử lý phân của trẻ bằng chloramin B , vôi bột hoặc tro bếp… Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho người bệnh ăn lỏng và mềm.
– Người chăm sóc trẻ theo dõi sát sức khỏe của trẻ để phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh. Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc miệng, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế nơi gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.